Hướng dẫn cách ủ lá vối tươi của người miền Bắc
1. Truyền thống ủ lá vối:
Cuộc sống ngày càng hiện đại, mọi thứ dường như được phát triển sao cho càng nhanh càng tiện lợi càng tốt, tuy nhiên có những thứ dù là truyền thống, dù là thủ công nhưng vẫn luôn giữ được những vị trí và giá trị nhất định. Rất nhiều người trong chúng ta đang tìm kiếm những giá trị truyền thống, những thứ có nguồn gốc tự nhiên. Và cũng có rất nhiều nghiên cứu khoa học cho thấy rằng có nhiều cách ăn uống truyền thống có hiệu quả rất tốt cho sức khỏe. Trà vối là một trong số đó. Tuy chưa được phổ biến như trà xanh, nhưng trà vối đang dần được biết đến nhờ những hiệu quả tốt cho sức khỏe mà nó mang lại. Trà vối ở Việt Nam ta có thể nói rằng xuất phát từ vùng đồng bằng Bắc Bộ. Và khác với trà xanh nước vối không đơn giản được nấu từ lá vối tươi, mà người dân Bắc bộ đã có một bí quyết để có được một bát trà vối thơm ngon đặc trưng, đó chính là ủ lá vối. Hôm nay chúng ta hãy cùng Tralavoi.com khám phá bí quyết này nhé.
Nước lá vối có thể được nấu
hoặc hãm từ lá vối tươi hoặc lá vối khô. Việc dùng là vối tươi để nấu hẳn nhiên
sẽ đơn giản, tuy nhiên vì lá vối tươi có tính kháng khuẩn mạnh nên không nên
dùng nhiều vì nó có thể tiêu diệt các vi khuẩn có lợi trong cơ thể. Vì vậy,
không biết từ lúc nào và không biết nhờ cơ duyên nào mà người ta lại nghĩ đến
cách ủ lá vối để có thể tạo ra một loại nước lá vối đặc trưng, ít ngái và ngon
và lành hơn hẳn việc nấu bằng lá vối tươi.
2.
Hướng dẫn cách ủ lá vối tươi của người miền Bắc:
Chúng ta có 2 cách ủ lá vối tươi. Nhưng dù là cách nào thì việc trước tiên cần làm đó là chọn lá vối để ủ. Chúng ta nên chọn những lá to, lành lặn, không bị sâu bệnh, không bị dập hay vụn nát. Sau đó chúng ta bỏ phần cuống lá rồi rửa sạch lá với nước.
-
Cách ủ thứ nhất: đây là cách ủ truyền thống. Để thực hiện
cách này, chúng ta cần phải có lá chuối hoặc rơm rạ và một cái chum hoặc vại đất.
Ngày xưa cách ủ này dễ dàng thực hiện được, vì rơm và lá chuối là những thứ hết
sức phổ biến ở một đất nước nông nghiệp nhiệt đới như nước ta, chum hoặc vại
cũng là thứ nhà nào cũng có. Các bước ủ lá vối được thực hiện như sau: Đầu
tiên, lấy rơm đã giũ sạch bụi rác bẩn, hoặc dùng lá chuối thì nên chọn lá to,
không bị rách nát để có thể phủ kín được hơi. Lá vối sau khi được rửa sạch như
trên thì để ráo nước, sau đó lót một lớp lá chuối vào trong đáy chum hoặc vại.
Xếp lá vối vào, dàn đều. Sau đó lót một lớp rơm hoặc lá chuối dày lên trên. Chọn
một nơi râm mát trong nhà rồi úp ngược chum xuống. Thời gian ủ tùy thuộc vào
kinh nghiệm và thời tiết hoặc nhiệt độ độ ẩm bên ngoài, nhưng thông thường người
ta hay ủ từ 23 ngày. Sau 2-3 ngày, chúng ta lật chum lên, thấy lá chuyển đều
sang màu đen là được. Lấy lá đã ủ đem đi phơi khô, sau đó bỏ trong túi nilon, cột
miệng túi để lá vối không bị hút ẩm ngược từ không khí. Sau đó chúng ta có thể
lấy ra dùng dần.
Đây là cách ủ truyền thống có từ lâu, ưu điểm của cách ủ này là thành phẩm chất lượng đồng đều, ít tốn công, nước lá vối khi pha sẽ rất dậy mùi thơm và vị nước cũng rất đậm đà. Tuy nhiên, nhược điểm của phương pháp này thì chắc ai cũng có thể đoán ra, đó là không phù hợp thực hiện nếu bạn sống ở thành phố. Nếu bạn sống ở thành phố thì khó có thể tìm ra rơm rạ, lá chuối hoặc chum vại để thực hiện. Do đó, chúng ta nên đến với cách ủ thứ hai.
Cách
ủ thứ 2: nếu cách ủ thứ nhất chúng ta cần quan tâm đến
rơm rạ thì ở cách ủ thứ 2 chúng ta cần phải quan tâm đến loại nước sử dụng để ủ
vì đây là cách ủ bằng nước. Loại nước tốt nhất nên dùng là nước tự nhiên, đặc
biệt là nước suối, nếu không thì có thể dùng nước sông hoặc nước mưa. Nên tránh
sử dụng nước máy vì trong nước máy có thể có phèn hoặc còn dư clo trong nước,
những chất này có thể ảnh hưởng xấu đến chất lượng lá vối sau khi ủ. Sau khi
chuẩn bị nước, chúng ta dùng lá vối tươi đã được chọn kỹ và rửa sạch như ở
trên, cắt lá làm 3 phần, sau đó ngâm sao cho lá ngập hoàn toàn trong nước. Sau
mỗi ngày chúng ta đều vớt lá ra và thay nước. Làm như vậy trong 3 ngày, Sau 3
ngày, lá được vớt ra và rửa lại lần nữa, sau đó mới để ráo nước và đem phơi.
Sau khi lá vối khô, chúng ta cũng bỏ vào bao nilon cột chặt miệng bao như cách
trên và để dùng dần.
Sau khi ủ và phơi khô,
chúng ta cần chú ý bảo quản lá vối ở nơi khô ráo, tránh độ ẩm và ánh sáng trực
tiếp. Chỉ nên lấy đủ dùng tránh để lá vối ở ngoài bị hút ẩm ngược lại và bị ẩm
mốc mất chất lượng.
Hy vọng hai cách ủ lá vối
vừa rồi sẽ giúp bạn có thể nấu được một ly lá vối thật thơm ngon theo phong
cách chuẩn của người miền Bắc. Để biết thêm cách pha nước lá vối sao cho chuẩn,
các bạn hãy tìm đọc bài viết khác của Tralavoi.com nhé. Xin cảm ơn.
Nhận xét
Đăng nhận xét